– Đan Mạch là một nước công nghiệp phát triển, có nền kinh tế thị trường tư bản hỗn hợp, cạnh tranh cao với chế độ phúc lợi lớn. Nền kinh tế Đan Mạch là một trong 10 nền kinh tế hiệu quả nhất thế giới với mức thu nhập bình quân đầu người thuộc diện cao nhất thế giới 38.300 USD, (tính theo ngang giá sức mua (2012).
Do khan hiếm tài nguyên và thiếu nguyên liệu, Đan Mạch chủ trương và nỗ lực sử dựng nguyên liệu một cách tiết kiệm và hiệu quả nhất như ứng dụng năng lượng gió và các năng lượng tái tạo. Đan Mạch là nền kinh tế mở nên là nước ủng hộ rất mạnh mẽ tự do hóa thương mại. Tuy nhiên, thời gian qua, Đan Mạch tiếp tục chịu tác động từ khủng hoảng tài chính khủng hoảng nợ công kéo dài và suy giảm kinh tế ở các nước khu vực đồng Eurô và EU nói chung. Nhờ chính sách kích thích kinh tế và tăng xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt ở Châu Âu (Đức, Pháp, Anh, Thụy Điển…) nên từ cuối năm 2010, kinh tế Đan Mạch từng bước có dấu hiệu phục hồi. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của Đan Mạch chiếm 31,8% GDP (tương đương 99,37 tỷ USD) và kim ngạch nhập khẩu đạt 29,1% GDP cả nước (tương đương 90,83 tỷ USD)..,
Các ngành kinh tế thế mạnh của Đan Mạch gồm công nghiệp chế biến thực phẩm, xi măng, chế tạo thiết bị năng lượng (Đan Mạch là nước đứng đầu thế giới trong sử dụng và chế tạo tuốc-bin chạy bằng sức gió) công nghiệp dược, chế biến thủy sản và thực phẩm, thiết kế công nghiệp và hàng tiêu dùng. Các công ty Đan Mạch chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ; nhiều công ty có thương hiệu nổi tiếng thế giới do trình độ chuyên môn hóa cao, có tầm nhìn và phạm vi hoạt động toàn cầu. Một số công ty lớn gồm Tập đoàn AP Moller -Maersk (vận tải biển), Carlsberg (bia, đồ uống), Danfos và Grundfos (sản xuất thiết bị điều hòa nhiệt độ và máy bơm), Novo Nordisk (dược), Lundbeck, Scandinavian Tobaco Company, Vestas Wind Systems (tuốc-bin gió), Danisco (chế biến thực phẩm); FLSmidth (xi măng), Lego (sản xuất đồ chơi)..,
Tháng 9/2011, Chính phủ nhiệm kỳ mới của Đan Mạch đã kích hoạt tăng trưởng kinh tế bằng gói kích thích 18,7 tỷ DKK (trên 3 tỷ USD), tăng đầu tư công, đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế xanh, tạo nhiều việc làm, đồng thời tăng một số loại thuế, để từng bước giảm thâm hụt ngân sách. Với các biện pháp mạnh mẽ trên, kinh tế Đan Mạch trong năm 2011 đã có một số dấu hiệu phục hồi như GDP năm 2011 tăng 1% (so với 2% của năm 2010) tuy nhiên thâm hụt ngân sách còn lớn (bằng 4% GDP), tỷ lệ thất nghiệp cao (6,2% năm 2011), khả năng cạnh tranh của nền kinh tế giảm. Trong 6 tháng đầu năm 2013, Đan Mạch đã nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua một loạt các biện pháp như đưa ra gói kích cầu nhằm tăng thêm việc làm; kích cầu tiêu dùng, mở rộng thương mại và đầu tư tại châu Á để tìm kiếm thêm thị trường. GDP quý 1/2013 tăng 0,2% so với mức âm 0,9% của quý 4/2012; lạm phát ở mức 2,8%, thất nghiệp tăng lên, mức 5,9% tháng 4/2013 so với mức 5,8% của tháng 12/2012. Dự báo GDP 2013 sẽ đạt mức 0,5% (năm 2012 là 0,2%), và 1,1% năm 2014.
Người Đan Mạch tham gia các thỏa ước lao động thông qua tổ chức công đoàn; thị trường lao động theo mô hình “hệ thống an sinh linh hoạt” (flexicurity), kết hợp linh hoạt về việc làm và mức độ an toàn cao về tài chính, đảm bảo an sinh xã hội. Nhờ vào mô hình này, Đan Mạch có lực lượng lao động có chất lượng cao và thích nghi nhanh với yêu cầu công việc. Người Đan Mạch có tinh thần tập thể và hợp tác. Đan Mạch chủ trương đầu tư vào con người để có thể phát triển và thịnh vượng. Đan Mạch dành 7,5% GDP cho giáo dục và là nước có hệ thống giáo dục phát triển và có chất lượng cao hàng đầu trên thế giới.
Hiện nay, với việc dành 1% GDP cho viện trợ phát triển, Đan Mạch là một trong số nước đi đầu trên thế giới trong lĩnh vực này. Tháng 8/2012, Đan Mạch đã công bố Ngân sách Hợp tác Phát triển giai đoạn 2013 – 2017, dựa trên các ưu tiên trong chiến lược mới của Đan Mạch là “Quyền được có cuộc sống tốt hơn”.
Theo đó mục tiêu Hợp tác Phát triển của Đan Mạch, trong giai đoạn mới là gắn chống nghèo đói với quyền con người và tăng trưởng kinh tế. Bốn lĩnh vực chiến lược là: Quyền con người và Dân chủ, Tăng trưởng xanh, Tiến bộ xã hội, ổn định và Bảo trợ xã hội. Năm 2013, Chính phủ Đan Mạch tăng ngân sách hợp tác phát triển lên tới 16.045 triệu DKK, tập trung ở châu Phi và châu Á – Mỹ La tinh như Nigeria, Zimbabwe, Tanzania, Uganda, Mali (tổng cộng 1.890 triệu DKK) Pakistan, Myanmar, Palestine, Afghanistan, Nepal và Bolivia (1.450 triệu DKK).
Chính phủ mới của Đan Mạch từ tháng 9/2011 được hình thành trong bối cảnh thế giới diễn ra nhiều biến động chính trị quan trọng tuy nhiên, Đan Mạch vẫn tiếp tục duy trì tăng cường hợp tác nội khối Bắc Âu, đẩy mạnh hơn hợp tác với EU (đặc biệt trong bối cảnh Đan Mạch giữ chức Chủ tịch luân phiên EU 6 tháng đầu năm 2012), NATO và khẳng định vai trò mạnh mẽ tại LHQ. Trọng tâm chính sách đối ngoại của Chính phủ nhiệm kỳ mới của Đan Mạch đó là: Tăng cường thực thi luật pháp, nhân quyền và bảo vệ quyền dân sự: Chính phủ mới cam kết đẩy mạnh thực thi nhân quyền, bảo vệ các quyền dân sự tại các điểm nóng của thế giới trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc của Hiến chương, Công ước của LHQ. Gắn chặt việc giải quyết nhân quyền trên thế giới với nghĩa vụ giải quyết các vấn đề tồn tại về nhân quyền tại Đan Mạch; Tiếp tục ửng hộ cải cách chính trị và công bằng xã hội tại Bắc Phi và Trung Đông, cam kết hàng năm chi 275 triệu. curon Đan Mạch (DKK)(50 triệu Euro) nhằm tăng cường dân chủ, nhân quyền và tự do báo chí tại Trung Đông; Thực hiện chính sách an ninh thông minh như đóng vai trò trung gian hòa giải, bảo vệ dân thường tại các điểm nóng về xung đột, coi trọng các biện pháp ngoại giao; Tăng cường hợp tác khu vực Bắc Cực. Ưu tiên các vấn đề chủ quyền, hợp tác nội khối, tương lai, lợi ích kinh tế và xã hội của người dân Bắc Cực.