Chỉ sau 20 năm cuộc chiến tranh với Bắc Triều Tiên năm 1953, từ một nước nghèo, Hàn Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc và hiện nay trở thành một trong 4 con rồng Châu Á.

Chỉ sau 20 năm cuộc chiến tranh với Bắc Triều Tiên năm 1953, từ một nước nghèo, Hàn Quốc đã có những bước phát triển vượt bậc và hiện nay trở thành một trong 4 con rồng Châu Á.

Vào những năm 1950, Hàn Quốc là một nước rất nghèo nàn và bất ổn, chính trị rơi vào trạng thái hỗn loạn, chủ nghĩa dân chủ bị tha hóa, chính phủ không có năng lực. Ở đầu những năm 1960, mức thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc chỉ dưới 100 USD nhưng nhờ có sự tăng trưởng kinh tế cao độ mà sau 30 năm, GNI bình quân theo đầu người đã đạt 10 ngàn USD, đến năm 2015 đạt 28 ngàn USD. Trong suốt giai đoạn từ năm 1962 đến năm 1992, Hàn Quốc đã trải qua 6 lần thực hiện kế hoạch 5 năm, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trung bình khoảng 9.2%/năm. Bí quyết tăng trưởng, phát triển nhanh của Hàn Quốc có thể khái quát trên một số nét chính sau:

– Thứ nhất là nguyên tắc “ưu tiên tăng trưởng kinh tế” để phát triển đất nước, tất cả “vì sự phồn vinh và giải quyết đói nghèo”, tất cả các mục tiêu phát triển đều nằm dưới nguyên tắc trên (bao gồm cả sự tự do của người dân).

– Thứ hai là thực hiện chính sách tăng trưởng trong đó xuất khẩu là chủ đạo và chính sách công nghiệp theo từng thời kỳ: Phát triển những ngành công nghiệp thâm dụng nhiều lao động phục vụ cho xuất khẩu (vào những năm 1960); Phát triển công nghiệp nặng và hóa chất (HCI), thúc đẩy xuất khẩu (những năm 1970); Cải tổ cơ cấu công nghiệp nhằm tăng sức cạnh tranh xuất khẩu (trước những năm 1980); Chuyển từ phát triển xuất khẩu sang phát triển thương mại (sau những năm 1980); Tích cực phát triển công nghiệp theo hướng xuất khẩu, tạo nhiều ưu đãi để các doanh nghiệp xuất khẩu.

– Thứ ba là tập trung xây dựng an ninh quốc gia; phổ cập giáo dục tiểu học và giảm mù chữ, xây dựng văn hóa, coi trọng giáo dục và  chú trọng vào đào tạo nghề; xây dựng hạ tầng xã hội để cung cấp sự bảo vệ tối thiểu cho các hộ thu nhập thấp và tạo công ăn việc làm; kìm hãm các bất ổn về chính trị xã hội và ưu tiên tăng trưởng kinh tế. Chính phủ Park Jung Hee tuy tạo nên nền chính trị độc tài, nhưng là một chính phủ khá liêm chính và có năng lực, lãnh đạo có tầm nhìn xa và tinh thần trách nhiệm cao ở toàn bộ các giới, từ công chức, doanh nghiệp cho tới toàn thể người dân; xây dựng chính phủ hiệu quả, chính sách điều hành kinh tế theo phương thức cứng rắn từ trên xuống, chủ nghĩa năng lực mạnh mẽ (thi tuyển công chức công khai và thăng chức theo năng lực); Tăng cường năng lực lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch, Ủy ban quy hoạch kinh tế và kế hoạch xây dựng các kế hoạch 5 năm (1962 – 1992), thông qua việc hợp tác với USAID và Ngân hàng Thế giới (vào những năm 1960); Tiết kiệm cao, đầu tư và bình ổn giá ở mức tương đối; Xây dựng đường cao tốc bắc – nam, phát triển các khu công nghiệp, đầu tư cho điện lực; Phát triển nông thôn, ổn định an ninh lương thực thông qua tăng tỷ lệ tự cấp tự túc gạo, huy động xây dựng nông thôn qua phong trào nông thôn mới; Xây dựng và phát triển dự án rừng quốc gia.

1- Một số điểm nổi bật trong quá trình phát triển của Hàn Quốc

Năm 1979, chính sách phát triển công nghiệp nặng và hóa chất với sự bảo hộ khỏi cạnh tranh của nước ngoài của Tổng thống Park Jung Hee đã sản sinh sự yếu kém về năng suất sản xuất do nhiều máy móc để không, áp lực từ vật giá leo thang đối với nền kinh tế vĩ mô, dẫn đến nguy cơ về cơ cấu của kinh tế quốc gia. Tháng 10 năm 1979, tổng thống Park Jung Hee bị ám sát, sau đó Jeon Doo Hwan thực hiện đảo chính và lên cầm quyền.

Bên cạnh việc chuyển từ nền kinh tế do nhà nước chủ đạo sang kinh tế thị trường thông qua chính sách mở cửa cho cạnh tranh quốc tế và ổn định nền kinh tế,  Chính phủ mới Jeon Doo Hwan đã tiến hành thống nhất hoặc đơn giản hóa những đầu tư trùng lặp hoặc quá độ, thực hiện “hợp lý hóa” đầu tư cho công nghiệp nặng và hóa chất.

Cùng với biến cố đồng đô la Mỹ hạ giá so với đồng Yên Nhật do thỏa ước Plaza vào tháng 9 năm 1985, kéo theo đó là đồng Won của Hàn Quốc hạ giá, bằng chính sách HCI mới, Hàn Quốc đã thu được những lợi ích từ điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ như bùng nổ xuất khẩu, lần đầu tiên trong lịch sử xuất siêu, tăng trưởng kinh tế bình quân lên đến 12% (1986 – 1988).

Như vậy, bằng sự cải cách và tăng cường chính sách xuất khẩu những năm 1980, kinh tế Hàn Quốc đã có bước nhảy vọt lần thứ hai, những năm 1990, Hàn Quốc có sức cạnh tranh trong các sản phẩm có hàm lượng công nghiệp cao như thép, hóa dầu, chất bán dẫn, đồ điện tử gia dụng, đóng tàu, ô tô, sản phẩm IT và trở thành nước công nghiệp mới nổi trên trường quốc tế.

Có thể nhận định rằng kỳ tích kinh tế của Hàn Quốc là nhờ chính phủ quân phiệt – Park Jung Hee (1961 -1979) và Chính phủ Jeon Doo Hwan (1980 -1988). Park Jung Hee một mặt đã khống chế sát sao hệ thống kinh tế, kiểm soát chặt chẽ hệ thống quan chức lãnh đạo quốc gia nhằm lên kế hoạch, thực hiện và huy động hiệu quả mọi nguồn lực, mặt khác, kìm hãm dư luận, các nhà bình luận, những người chống đối và điều hành chính phủ độc tài quân sự. Jeon Doo Hwan gần như cũng đi theo cách tương tự.

Tuy nhiên, sự phồn vinh về kinh tế đã không đồng hành cùng công bằng xã hội và dân chủ, dẫn đến sự phản đối của người dân về sự áp bức quyền lợi, cưỡng chế hiệp đồng, phản đối các đặc tính của chủ nghĩa quân phiệt và xuất hiện tín hiệu của sự tăng trưởng không bền vững. Chính phủ quân phiệt đã sản sinh ra chủ nghĩa bảo hộ thương mại quốc tế và cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, tham những, chủ nghĩa bè phái, chủ nghĩa quan liêu nảy sinh ra tư duy tìm kiếm trục lợi hơn là tư duy cải cách của nhà kinh doanh. Tài phiệt (tập đoàn lớn) là người hưởng lợi chính từ chủ nghĩa ưu tiên tăng trưởng của chính phủ quân phiệt nên đã phát triển rất nhanh và trở thành đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế của Hàn Quốc. Chính phủ đã ban những đặc quyền cho các tài phiệt và nuôi dưỡng họ trở thành đối tác chính cho sự phát triển công nghiệp, tiên phong cho sự khai phá và mở rộng thị trường xuất khẩu, sự tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế cao không có nghĩa là tăng chất lượng cuộc sống của tất cả mọi người. Những người bị bạc đãi (“xóm lều trên núi”) ngày càng xuất hiện nhiều, bảo vệ môi trường bị coi là chống lại sự phát triển kinh tế. Chính phủ quân phiệt đã đánh đổi sự sung túc, sức khỏe, an toàn của người lao động, áp bức quyền lao động và công đoàn để ổn định tiền lương và sự hòa bình (mang tính cưỡng chế) của giới công nghiệp. Giới tài phiệt đã lợi dụng quan hệ tham nhũng với các chính trị gia và quan chức để lừa đảo tín dụng, giao dịch bất chính, trốn thuế, phát triển dựa trên sự áp bức công nhân và sự hy sinh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính phủ coi trọng lợi ích của gia đình tài phiệt hơn lợi ích công cộng và coi thường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Chính phủ tự do can thiệp vào tín dụng, trực tiếp phân bổ tài lực để hỗ trợ chính sách công nghiệp, tước đoạt quyền tự chủ của ngân hàng, làm giảm sự phát triển của tài chính. Tín dụng trực tiếp của chính phủ cùng các chính sách hỗ trợ đã làm cho các tài phiệt tin rằng chính phủ sẽ không bao giờ để họ bị phá sản, từ đó mở rộng các dự án một cách thiếu suy sét. Sự đi xuống về đạo đức của các tài phiệt Hàn Quốc đã dẫn kinh tế Hàn Quốc đến vực sâu khi khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra năm 1997. Kết quả là những vấn đề đó đã cản trở khả năng phát triển bền vững của Hàn Quốc.

Tháng 12 năm 1997, Tổng thống mới đắc cử Kim Dae Jung (1998 -2003) đã kiên quyết thực hiện cải tổ cơ cấu và cải cách đối với các tập đoàn tài phiệt bằng cách sử dụng công cụ đánh giá chính sách của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, qua đó cải thiện tính minh bạch trong quản lý các tập đoàn tài phiệt. Ngoài ra, ông cũng bảo đảm tính độc lập và minh bạch của các ngân hàng thương mại, hỗ trợ vốn, hiện đại hóa nền tài chính. Năm 2001, Hàn Quốc đã khắc phục thành công khủng hoảng và ra khỏi chương trình cải tổ cơ cấu của IMF. Vậy là Hàn Quốc đã hoàn thành thời kỳ quá độ sang kinh tế thị trường theo chủ nghĩa dân chủ, tiến vào con đường phát triển thành quốc gia công nghiệp tiên tiến.

Trên góc độ môi trường, mặc dù áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ môi trường qua các thời kỳ (đặc biệt từ đầu những năm 1980) nhưng môi trường vẫn tiếp tục ô nhiễm nặng hơn. Chính phủ Lee Myeong Park đã xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh (2008) và quyết tâm đi đầu trong bảo vệ môi trường toàn cầu. Tháng 8 năm 2008, với tuyên bố “tăng trưởng xanh, ít khí thải”, đề ra tầm nhìn mới về phát triển quốc gia của Hàn Quốc, chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn Quốc đã được bắt đầu. Có thể khái quát Chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn Quốc trên một số điểm chính sau:

Một là, giảm nhẹ biến đổi khí hậu và độc lập về năng lượng, bao gồm: Giảm hiệu quả khí nhà kính; Giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tăng cường độc lập về năng lượng; Tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hai là, sáng tạo động lực tăng trưởng kinh tế mới, bao gồm: Phát triển công nghệ xanh; Xanh hóa công nghiệp hiện tại và thúc đẩy công nghiệp xanh; Tiên tiến hóa cơ cấu công nghiệp; Thiết kế cơ bản cho kinh tế xanh.

Ba là, nâng cao chất lượng cuộc sống và địa vị quốc tế gồm: Phát triển đô thị xanh, xây dựng hạ tầng giao thông xanh, cải tiến quản lý tài nguyên nước; Áp dụng phương án cải tạo xanh vào sinh hoạt hàng ngày; Thực hiện vai trò lãnh đạo tăng trưởng xanh trên trường quốc tế.

Chiến lược tăng trưởng xanh của Hàn Quốc là chiến dịch thông qua vai trò xuất khẩu “màu xanh” mới để chuyển đổi việc sử dụng năng lượng của mọi lĩnh vực và hệ thống tài nguyên của toàn bộ nền kinh tế sang hình thái tăng trưởng xanh bền vững.Trọng tâm của tăng trưởng xanh bền vững là quá trình đổi mới liên tục và lan rộng ở cả khía cạnh kỹ thuật lẫn khía cạnh thể chế. Đây là chìa khóa để cắt đứt chuỗi dây nối giữa tăng trưởng kinh tế và ô nhiễm môi trường. Nhân tố kéo sự đổi mới đi lên nằm ở sự giảm phát thải khí nhà kính, đạt mục tiêu giảm khí nhà kính .

2. Các bài học kinh nghiệm

– Có thể nói rằng, trong mọi sự phát triển, nguồn lực con người luôn là yếu tố quan trọng nhất, cần xây dựng văn hóa, khuyến khích các đức tính tốt đẹp của con người thông qua giáo dục và lao động. Từ đó xây dựng đội ngũ người lao động lành nghề, tận tâm, sáng tạo trong công việc; đội ngũ cán bộ công chức liêm chính, có lòng tự trọng và mong muốn cống hiến.

– Quá trình phát triển cần đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng và các mục tiêu khác về môi trường, văn hóa – xã hội, quyền của mọi người dân để đảm bảo mục tiêu phát triển của đất nước, không đơn thuần là tăng trưởng.

– Chính sách công nghiệp trong từng giai đoạn cần tập trung vào một số ngành chủ lực (khoảng 5 ngành) có lợi thế cạnh tranh, có liên quan đến mục tiêu chung, đảm bảo tập trung nguồn lực, có sức cộng hưởng, lan tỏa tới các ngành, lĩnh vực khác.

– Các chính sách cần quan tâm đến mục tiêu tăng trưởng xanh và các cam kết với cộng đồng quốc tế để từ đó tranh thủ sự trợ giúp, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cũng như tiếp cận với các công nghệ xanh, sạch, hạn chế tối đa việc phát thải khí nhà kính hay quá trình biến đổi khí hậu.

– Việc khuyến khích, thúc đẩy ngành lĩnh vực cần thông qua cơ chế thị trường, không sử dụng các biện pháp hành chính trực tiếp dễ gây bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh và méo mó tín hiệu thị trường cũng như tạo điều kiện, cơ hội cho tham nhũng, lợi ích nhóm.

Đối với các nước đang phát triển, thông qua cách quản lý của chính phủ, kỳ tích giống như Hàn Quốc có thể xảy ra theo xu hướng tốt hơn và nhanh hơn rất nhiều do có lợi thế của người đi sau. Một chính phủ tốt là chính phủ mở đối với mọi người dân, đối với các chuyên gia, với các bên có quan hệ lợi ích. Do đó, cần thận trọng và bao dung việc trong tìm hiểu các vấn đề và tìm kiểm các giải pháp khả thi tốt nhất. Quản lý nhà nước dựa trên cơ sở phát triển bền vững, thống nhất với nguyên tắc chuẩn mực, nguyên tắc quốc tế trong phát triển bền vững chắc chắn sẽ đạt mục tiêu chung của tất cả các quốc gia và tạo tính đồng thuận cao giữa các nước.

ALPHA EDUCATION:


This entry was posted in . Bookmark the permalink.
Tư vấn miến phí
Đăng ký làm đối tác