Hiện nay, với việc dành 1% GDP cho viện trợ phát triển, Đan Mạch là một trong số nước đi đầu trên thế giới trong lĩnh vực này. Tháng 8/2012, Đan Mạch đã công bố Ngân sách Hợp tác Phát triển giai đoạn 2013 – 2017, dựa trên các ưu tiên trong chiến lược mới của Đan Mạch là “Quyền được có cuộc sống tốt hơn”.

Theo đó mục tiêu Hợp tác Phát triển của Đan Mạch, trong giai đoạn mới là gắn chống nghèo đói với quyền con người và tăng trưởng kinh tế. Bốn lĩnh vực chiến lược là: Quyền con người và Dân chủ, Tăng trưởng xanh, Tiến bộ xã hội, ổn định và Bảo trợ xã hội. Năm 2013, Chính phủ Đan Mạch tăng ngân sách hợp tác phát triển lên tới 16.045 triệu DKK, tập trung ở châu Phi và châu Á – Mỹ La tinh như Nigeria, Zimbabwe, Tanzania, Uganda, Mali (tổng cộng 1.890 triệu DKK) Pakistan, Myanmar, Palestine, Afghanistan, Nepal và Bolivia (1.450 triệu DKK).

Chính phủ mới của Đan Mạch từ tháng 9/2011 được hình thành trong bối cảnh thế giới diễn ra nhiều biến động chính trị quan trọng tuy nhiên, Đan Mạch vẫn tiếp tục duy trì tăng cường hợp tác nội khối Bắc Âu, đẩy mạnh hơn hợp tác với EU (đặc biệt trong bối cảnh Đan Mạch giữ chức Chủ tịch luân phiên EU 6 tháng đầu năm 2012), NATO và khẳng định vai trò mạnh mẽ tại LHQ. Trọng tâm chính sách đối ngoại của Chính phủ nhiệm kỳ mới của Đan Mạch đó là: Tăng cường thực thi luật pháp, nhân quyền và bảo vệ quyền dân sự: Chính phủ mới cam kết đẩy mạnh thực thi nhân quyền, bảo vệ các quyền dân sự tại các điểm nóng của thế giới trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc của Hiến chương, Công ước của LHQ. Gắn chặt việc giải quyết nhân quyền trên thế giới với nghĩa vụ giải quyết các vấn đề tồn tại về nhân quyền tại Đan Mạch; Tiếp tục ửng hộ cải cách chính trị và công bằng xã hội tại Bắc Phi và Trung Đông, cam kết hàng năm chi 275 triệu. curon Đan Mạch (DKK)(50 triệu Euro) nhằm tăng cường dân chủ, nhân quyền và tự do báo chí tại Trung Đông; Thực hiện chính sách an ninh thông minh như đóng vai trò trung gian hòa giải, bảo vệ dân thường tại các điểm nóng về xung đột, coi trọng các biện pháp ngoại giao; Tăng cường hợp tác khu vực Bắc Cực. Ưu tiên các vấn đề chủ quyền, hợp tác nội khối, tương lai, lợi ích kinh tế và xã hội của người dân Bắc Cực.